Bảo hiểm xe ô tô gồm những loại gì?

Bảo hiểm xe ô tô gồm những loại gì?

Bản chất khi mua bảo hiểm ô tô là bạn đang chi trả cho những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai ở thời điểm hiện tại. Khi có tai nạn xảy ra, các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại tài chính cho bạn theo những điều khoản ghi trên hợp đồng. Khi đã mua bảo hiểm, người sở hữu xe nào cũng mong muốn khi gặp sự cố sẽ được bồi thương công bằng và nhanh chóng, được sửa chữa xe và thay thế phụ tùng chính hãng. Nhưng để có được điều đó, bạn cần không nên vội vàng đọc lướt qua các hình thức và điều khoản bảo hiểm, cần nghiên cứu kỹ, cân nhắc với mức độ tài chính trước khi đặt bút ký.

Có tất cả 5 loại hình bảo hiểm cho xe ô tô bao gồm:

1. Bảo hiểm vật chất xe

Bao gồm BH vật chất toàn bộ xe hoặc chỉ BH thân vỏ. Bảo hiểm vật chất xe ô tô là gói bảo hiểm tự nguyện nhưng lại là gói bảo hiểm rất cần cho việc sử dụng xe. Tham gia sử dụng bảo hiểm vật chất xe ô tô, trong trường hợp xảy ra các sự cố va chạm gây hư hỏng hay bị mất cắp, bên bảo hiểm sẽ bù đắp những khoản chi phí khắc phục thiệt hại giúp bạn chủ động hơn về tài chính và yên tâm trong việc sử dụng xe.

2. Bảo hiểm tai nạn con người theo chỗ ngồi trên xe

Bảo hiểm tai nạn người lái xe, phụ xe và người ngồi trên xe: có đối tượng bảo hiểm là tính mệnh, sức khỏe của những người được chuyên chở trên xe cơ giới nhưng không phải với tư cách là hành khách (gọi chung là người được bảo hiểm).

Tùy từng loại xe và mục đích sử dụng xe, chủ xe có thể tham gia bảo hiểm cho lái xe, phụ xe hoặc người ngồi trên xe (Trong kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa : người được BH là lái xe, phụ xe làm việc trên các phương tiện cơ giới; Người được BH là lái xe, người ngồi trên xe khi sử dụng xe vào mục đích đi lại của cán bộ, nhân viên, bạn bè, người thân….)

3. Bảo hiểm TNDS đối với bên thứ 3, bao gồm BH TNDS bắt buộc và BH TNDS tự nguyện với mức tăng thêm trên 100.000.000đ/vụ

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của củ xe cơ giới đối với người thứ 3 là bảo hiểm trách nhiệm bồi thường của lái xe, chủ xe khi phương tiện đi vào hoạt động gây thiệt hại cho người thứ 3. Đối tượng bảo hiểm TNDS đối với người thứ ba chính là phần trách nhiệm dân sự, trách nhiệm bồi thường của chủ xe cơ giới đối với những hậu quả tính được bằng tiền theo quy định của pháp luật khi chủ phương tiện gây tai nạn làm thiệt hại về tính mạng tài sản, tinh thần cho bên thứ 3.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng bên thứ 3 trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 là những người trực tiếp bị thiệt hại do hậu quả của các vụ tai nạn ngoại trừ lái, phụ xe, nguời làm công cho chủ xe, những người mà lái xe phải nuôi dưỡng như cha mẹ, vợ, chồng, con cái, hành khách đi trên xe, tài sản tư trang hành lý của những người nói trên, các khoản phạt mà chủ xe, lái xe phải gánh chịu.

4. Bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe đối với hành khách trên xe (trường hợp nếu xe có kinh doanh vận tải hành khách)

Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới theo quy định của Bộ Tài chính, có tác dụng: Bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ 3 do xe cơ giới gây ra. Bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

5. Bảo hiểm TNDS của chủ xe đối với hàng hóa trên xe (trường hợp nếu xe có kinh doanh vận tải hàng hóa)

Bảo hiểm cho phần trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với tổn thất, mất mát hàng hóa được vận chuyển trên xe theo hợp đồng vận chuyển giữa chủ xe và chủ hàng. Thanh toán cho chủ xe các chi phí cần thiết và hợp lý nhằm: Ngăn ngừa, giảm nhẹ tổn thất cho hàng hóa; Bảo quản, xếp dỡ, lưu kho, lưu bãi.